Hình ảnh được chụp hôm 10/12 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, khi nhiệt độ ngoài trời dưới 5 độ C. Người phụ nữ mặc một chiếc áo khoác dày và được bọc kín từ đầu đến chân bằng túi nilon khi rời bệnh viện. Cô giải thích: "Tôi vừa mới sinh con và sức khỏe còn yếu. Tôi không muốn bị gió thổi bay. Mẹ tôi nghĩ ra ý tưởng sử dụng túi nilon để chắn gió vì nó rẻ và hiệu quả".
Hành động này nhanh chóng gây chú ý và khơi mào cho một cuộc tranh luận về những phương pháp chăm sóc hậu sản lâu đời. "Điều này thực sự cần thiết, chỉ những ai chịu hậu quả đau nhức xương khớp vì không kiêng cữ sau sinh mới hiểu được", một người bình luận. Một tài khoản khác cho biết: "Đây có phải là sự cường điệu không, tôi sinh ở bệnh viện quốc tế và hầu như không phải kiêng cữ bất cứ điều gì. Trong trường hợp này, túi nilon vướng víu thậm chí còn dễ khiến cô ấy vấp ngã".
Trong quan niệm dân gian, các bà mẹ mới sinh được khuyến khích ở cữ kéo dài một tháng để nghỉ ngơi và phục hồi cơ thể. Việc không giữ ấm hay ăn uống đúng cách trong thời gian này được cho là sẽ dẫn đến những vấn đề sức khỏe lâu dài như đau đầu, đau lưng hoặc chóng mặt. Theo đó, người mẹ mới sinh cũng được khuyên không tắm, không gội đầu, không đánh răng, không ăn đồ lạnh, và đặc biệt tránh tiếp xúc với gió. Dù thói quen ở cữ có những khía cạnh chưa được khoa học chứng minh, theo bác sĩ Luo Li của Bệnh viện Phụ sản Trùng Khánh Anqier, việc tránh tiếp xúc với gió là điều cần thiết. "Chúng ta có thể mở cửa sổ để thông gió trong khoảng 30 phút vào buổi sáng và buổi chiều, nhưng cần đảm bảo mẹ và bé không bị gió thổi trực tiếp", bác sĩ Luo cho biết.
Những trường hợp gia đình áp dụng cách chăm sóc hậu sản đặc biệt thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc. Tháng trước, một người đàn ông ở đông bắc Trung Quốc cũng dùng túi nilon lớn quấn kín người vợ mới sinh, đặt cô nằm trên ghế dài và cùng gia đình khiêng về nhà từ bệnh viện.